TẬP HUẤN “Nâng cao kiến thức, kỹ năng xây dựng và Phát triển Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Cà Mau”
Thực hiện Quyết định số 240/QĐ-UBND ngày 28/01/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Kế hoạch đào tạo, khuyến khích đào tạo sau đại học và Kế hoạch bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức năm 2022 của tỉnh Cà Mau. Ngày 11/11/2022, Ban Chỉ đạo Hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Cà Mau phối hợp với Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học và Công nghệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ (gọi tắt là Cục) tổ chức Tập huấn “Nâng cao kiến thức, kỹ năng xây dựng và Phát triển Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Cà Mau”, với mục đích là cung cấp, chia sẻ các kiến thức, thông tin về Hệ sinh thái Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo (HST KNĐMST); tình hình Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo của tỉnh Cà Mau và vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và Quốc gia về HST KNĐMST trong bối cảnh hiện nay.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử, (Trưởng Ban Chỉ đạo) phát biểu khai mạc
Dự và chủ trì cuộc họp có ông Lê Văn Sử (TUV), Phó Chủ tịch UBND tỉnh (Trưởng Ban Chỉ đạo); ông Phan Tấn Thanh, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (Phó Thường trực Ban Chỉ đạo); TS Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học và Công nghệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh; lãnh đạo các huyện và thành phố Cà Mau; các Công ty, Hợp tác xã, Hộ kinh doanh đạt giải trong cuộc thi ý tưởng, dự án khởi nghiệp; đại diện các Trường Đại học, Cao đẳng và Trường THPT trên địa bàn tỉnh cùng các báo, đài đến dự đưa tin.
Đại biểu tham dự lớp Tập huấn
TS Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học và Công nghệ
Tại buổi Tập huấn, với góc nhìn của Chuyên gia, TS Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học và Công nghệ chia sẻ, để Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh Cà Mau ngày càng phát triển hơn, tỉnh phải có cái nhìn tổng quan và mở rộng sự liên kết, không những liên kết vùng, kể cả liên kết quốc gia và xa hơn nữa là liên kết với quốc tế; trong đó, cần quan tâm đến các nội dung về Tổng quan Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - Chuỗi sự kiện Hỗ trợ đổi mới sáng tạo và chuyên gia Quất cũng gợi mở cho tỉnh Cà Mau về sự thành công của mô hình kết nối của Việt Nam năm 2021; bên cạnh đó, ông Quất cũng chia sẻ về sự thành công và tính hiệu quả mô hình việc thành lập các Trưởng Làng Techfest và nâng cao hơn và Đồng Trưởng Làng Techfest của các tỉnh phía Bắc trong thời gian qua.
Tài liệu từ Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học và Công nghệ
Tài liệu từ Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học và Công nghệ
Ngoài những chia sẻ đã nêu, Chuyên gia Phạm Hồng Quất còn gợi mở cho tỉnh Cà Mau, để triển khai thành công cho Phát triển HST KNĐMST của tỉnh, cần phải liên kết với các Doanh nghiệp khoa học và công nghệ; Mạng lưới các Hội trí thức kiều bào hỗ trợ ĐMST và thương mại hóa công nghệ; Mạng lưới các Trường Đại học,… Bên cạnh đó, ông Quất còn chia sẻ thêm sự thành công từ việc tổ chức chương trình Techfest của các địa phương như: Techfest Cần Thơ với chủ đề “Khát vọng vùng đất Chín Rồng”; Techfest Khánh Hòa với thông điệp “Khung trời cửa biển - Sáng tạo bứt phá”; Techfest Lai Châu với thông điệp “Nắm chắc thời cơ, vượt qua thách thức, khát vọng vươn xa”; Techfest Hải Phòng với thông điệp “Hải Phòng - Thành phố sáng tạo - Điểm đến thành công”; Techfest Đồng Nai với thông điệp “Khởi nghiệp sáng tạo - Nguồn lực hội tụ”; Techfest Vĩnh Phúc với thông điệp “Vĩnh Phúc, Khơi nguồn đổi mới - Kiến tạo tương lai” …
TS Từ Minh Hiệu, Phó Trưởng phòng KNĐMST - Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học và Công nghệ
Trình bày nội dung về xây dựng và phát triển HST KNĐMST địa phương, TS Từ Minh Hiệu, Phó Trưởng phòng KNĐMST - Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học và Công nghệ chia sẻ một số quan sát về hỗ trợ ĐMST, tính tương tác và liên kết hiện nay còn nhiều bất cập, cụ thể: (1) Chưa có những chính sách riêng từ Trường hoặc địa phương để hỗ trợ ĐMST, khởi nghiệp; (2) Tương tác, liên kết giữa các đơn vị trong 1 địa phương còn thiếu và yếu; (3) Nhu cầu đào tạo cơ bản cao, thiếu giảng viên/chuyên gia cơ hữu. Hệ thống mentor nội tại yếu; (4) Chưa có các mô hình huy động Alumni, Quỹ hỗ trợ, ...(4) Một số mô hình bắt đầu hình thành: Chuyển giao CN, hợp tác với doanh nghiệp, ươm tạo trong trường ĐH, ...
Trên cơ sở những nội dung chia sẻ cũng như sự gợi mở của các chuyên gia, ông Lê Văn Sử, Trưởng Ban Chỉ đạo gợi ý thảo luận, đã có 4 doanh nghiệp và Liên hiệp HTX đặt vấn đề với chuyên gia; nhìn chung các ý kiến xoay quanh vấn đề chính sách bảo hộ và kết nối những sản phẩm của tỉnh Cà Mau ra thị trường mở trong và ngoài nước; trong đó đề xuất chuyên gia giúp tỉnh Cà Mau xây dựng vật liệu trói Cua để giúp nhận dạng thương hiệu chống hàng nhái, hàng giả “Cua Cà Mau”; đồng thời, giúp cho Đạm Cà Mau được kết nối và lưu chuyển trên thị trường quốc tế,…
Qua kết quả chia sẻ, gợi mở, phân tích, đánh giá của các chuyên gia, cũng như đóng góp, đề xuất của các đại biểu; ông Lê Văn Sử, Trưởng Ban Chỉ đạo đánh giá, KNĐMST là chủ trương lớn và quan trọng, tuy bước đầu tỉnh Cà Mau còn gặp nhiều khó khăn; để bứt phá đi lên bắt kịp với các tỉnh, thành trong khu vực và cả nước, ông Sử đề nghị các đại biểu tham dự tại buổi Tập huấn của các cơ quan ban ngành và địa phương xây dựng kế hoạch riêng của từng cá nhân, chỉ đạo cho từng đơn vị mình để triển khai thành công các Đề án KN, KNĐST và kết nối HST KNĐMST của tỉnh Cà Mau trong thời gian tới./.