Tập huấn Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cho cán bộ quản lý và chủ thể OCOP tỉnh Cà Mau năm 2023
Thực hiện Kế hoạch số 170/KH-UBND ngày 17/7/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau về việc tổ chức Festival Tôm Cà Mau và Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP Đồng bằng Sông Cửu Long năm 2023.
Nhằm tăng cường kiến thức, kỹ năng, năng lực quản lý điều hành và thực thi của các cán bộ tham gia thực hiện Chương trình OCOP các cấp và các chủ thể trên địa bàn tỉnh. Chiều ngày 11/12/2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương tổ chức lớp tập huấn. Phía địa phương đến dự có ông Nguyễn Văn Quân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và hơn 100 đại biểu là chủ thể và cán bộ quản lý, hỗ trợ OCOP cấp xã, huyện, tỉnh.
Đại biểu tham dự tập huấn
Qua chia sẻ của Ths. Phương Đình Anh, Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương; Chương trình OCOP là một chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực (trí tuệ, sự sáng tạo, lao động, nguyên liệu và văn hóa địa phương…) và gia tăng giá trị. Kết quả chương trình OCOP của 63/63 tỉnh, thành phố đến nay, đã có 10.881 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên và có 5.610 chủ thể là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế cho địa phương. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn, tồn tại, đó là: (1) Số lượng sản phẩm OCOP tăng nhanh nhưng chưa thực sự bền vững; nguồn lực triển khai chủ yếu là lồng ghép, cơ chế chính sách còn chưa đồng bộ,… (2) Sự tham gia của các chủ thể vào Chương trình OCOP chưa được chủ động; hoạt động đổi mới, sáng tạo trong phát triển sản phẩm tuy có kết quả nhưng vẫn còn hạn chế so với tiềm năng. (3) Công tác xúc tiến thương mại còn manh mún, thiếu đồng bộ, chưa tạo được điểm nhấn nổi trội và đặc sắc,… (4) Công tác quản lý, giám sát sản phẩm sau khi được công nhận còn là vấn đề nổi cộm chưa được quan tâm và đẩy mạnh…
Từ những hạn chế, tồn tại đã nêu, ông Phương Đình Anh lưu ý cán bộ quản lý và các chủ thể ở địa phương, để thực hiện thành công Chương trình OCOP cho những năm tiếp theo, cần bám sát Bộ tiêu chí mới được ban hành tại Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 24/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ để triển khai thực hiện.
TS. Đào Đức Huấn, Trưởng Phòng OCOP chia sẻ
Qua góc nhìn của chuyên gia về OCOP, theo TS. Đào Đức Huấn, Trưởng phòng OCOP (Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương) có một số lưu ý về yêu cầu phát triển sản phẩm OCOP đối với các chủ thể: “Về Lợi thế - Tính cộng đồng - Về năng lực” trong đó, cần quan tâm (1) Nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển chuỗi giá trị sản phẩm OCOP gắn với xây dựng vùng nguyên liệu địa phương. (2) Đẩy mạnh phát triển các sản phẩm mới dựa trên ứng dung công nghệ sơ chế, chế biến quy mô nhỏ và vừa. (3) Trang bị các kỹ năng, năng lực về quản trị doanh nghiệp, hợp tác xã, công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, sở hữu trí tuệ, phát triển bao bì, áp dụng chuyển đổi số gắn với yêu cầu của thị trường. (4) Xây dựng và hình thành các “Điểm đến” quảng bá nâng cao thương hiệu sản phẩm OCOP.
Bên cạnh đó, theo chuyên gia Đức Huấn, muốn phát triển sản phẩm OCOP thành công và bền vững, các chủ thể cần quan tâm đến một số cách thức để phát triển sản phẩm OCOP như: “Nâng cao chất lượng sản phẩm - Đẩy mạnh chất lượng về an toàn thực phẩm - Nâng cao chất lượng về công nghệ - Nâng cao chất lượng dịch vụ - Khai thác giá trị chất lượng chuyên biệt” trong đó, từng chủ thể cần chú trọng, quan tâm đến giá trị cốt lõi của sản phẩm OCOP đó là “Câu chuyện của sản phẩm”.
Ngoài ra, TS. Đào Đức Huấn còn gợi ý cho các chủ thể, trong thời gian tới cần quan tâm khai thác tối đa về tiềm năng tài nguyên bản địa (tỉnh Cà Mau) rất phong phú, nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ phát triển các sản phẩm OCOP mới có giá trị gia tăng cao để tiến tới xuất khẩu trên thế giới, nhằm góp phần phát triển kinh tế cho tỉnh nhà./.