Ngày 16/11/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1386/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo Quy hoạch được phê duyệt, mục tiêu đến năm 2030, Cà Mau trở thành tỉnh phát triển khá của vùng đồng bằng sông Cửu Long; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại; có nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển; hệ sinh thái được bảo tồn, thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu. Quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, người dân có cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc.
Một số mục tiêu cụ thể đến năm 2030 như sau:
Hình. Một số chỉ tiêu quy hoạch đến năm 2030 của tỉnh Cà Mau
Tầm nhìn đến năm 2050, Cà Mau là tỉnh kinh tế phát triển, xã hội văn minh, hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu; các giá trị văn hóa mang bản sắc của con người Cà Mau được giữ gìn và phát huy. Môi trường sinh thái, đa dạng sinh học được bảo vệ, bảo tồn. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng số phát triển đồng bộ, hiện đại. Chính trị, quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm.
Đồng thời, theo Quy hoạch, các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá phát triển của tỉnh Cà Mau là chủ động đề xuất xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp để huy động nguồn lực phát triển kinh tế biển, trọng tâm là đầu tư Cảng biển tổng hợp Hòn Khoai, Khu kinh tế Năm Căn, Đề án xuất khẩu điện tỉnh Cà Mau (sau khi được cấp thẩm quyền phê duyệt), năng lượng tái tạo; phát triển hạ tầng giao thông, đô thị, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, du lịch, hạ tầng phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tập trung cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện chuyển đổi số toàn diện.
Cà Mau định hướng tập trung phát triển các ngành kinh tế quan trọng
Về nông nghiệp: phát triển nông nghiệp hiện đại, thông minh, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị nông nghiệp sinh thái hữu cơ.
Về phát triển kinh tế biển: xây dựng và phát triển tỉnh Cà Mau trở thành một trung tâm kinh tế biển của cả nước; phát triển và quản lý bền vững kinh tế biển theo phương thức tổng hợp, quản trị biển dựa vào không gian, liên ngành với sự tham gia của các cộng đồng dân cư và doanh nghiệp.
Về phát triển du lịch: phát triển du lịch bền vững theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử. Phát huy lợi thế vị trí địa lý là tỉnh Địa đầu cực Nam của Tổ quốc; xây dựng, định vị và nâng cao thương hiệu du lịch Cà Mau “Địa đầu cực Nam - Khám phá - Môi trường - Kết nối”.
Về phát triển công nghiệp: xây dựng Cà Mau trở thành trung tâm chế biến thủy sản và trung tâm năng lượng tái tạo của vùng đồng bằng sông Cửu Long, trung tâm xuất khẩu năng lượng tái tạo của cả nước. Phát triển công nghiệp theo mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Phát triển công nghiệp hóa chất phù hợp với điều kiện của tỉnh như: phân bón, khí công nghiệp, hóa chất cơ bản.
Về phát triển dịch vụ: phát triển các ngành dịch vụ, sản phẩm dịch vụ có hàm lượng công nghệ cao; hình thành các dịch vụ của trung tâm đầu mối, trung tâm logistics, các loại hình dịch vụ phục vụ cho sản xuất, khu kinh tế, các khu, cụm công nghiệp tạo điều kiện phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa và xuất nhập khẩu. Xây dựng ngành dịch vụ thương mại kết hợp truyền thống và hiện đại.
Theo đó, phương án tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội của tỉnh Cà Mau được tổ chức thành 03 vùng kinh tế, 05 cực tăng trưởng; 2 hành lang kinh tế và các trục phát triển, cụ thể như sau:
03 vùng kinh tế và 05 cực tăng trưởng gồm:
Vùng phát triển dịch vụ - đô thị - công nghiệp trung tâm (với cực tăng trưởng là thành phố Cà Mau): Là vùng có đô thị trung tâm của tỉnh; trung tâm hành chính, kinh tế, khoa học - công nghệ, giáo dục và đào tạo, y tế của tỉnh; đầu mối phân phối hàng hóa, cung cấp dịch vụ cho toàn tỉnh.
Vùng phát triển đô thị - công nghiệp - kinh tế ngư, nông, lâm nghiệp ven biển Tây (với cực tăng trưởng là đô thị Sông Đốc): Là vùng nuôi trồng, đánh bắt, chế biến thủy sản, dịch vụ hậu cần nghề cá; vùng nông nghiệp ngọt - lợ luân phiên; vùng lâm nghiệp phát triển theo mô hình bền vững gắn với bảo tồn Vườn Quốc gia U Minh Hạ.
Vùng phát triển công nghiệp - đô thị - kinh tế ngư, nông, lâm nghiệp ven biển Đông (với các cực tăng trưởng là đô thị Năm Căn - Khu kinh tế Năm Căn, đô thị Tân Thuận và đô thị Đất Mũi - Cảng biển tổng hợp Hòn Khoai): Là đầu mối lưu thông hàng hóa đường biển, dịch vụ logistics thông qua cảng biển tổng hợp Hòn Khoai, Khu kinh tế Năm Căn; vùng nuôi trồng thủy sản, rừng sản xuất; vùng trọng điểm phát triển du lịch của tỉnh.
Cùng với 02 hành lang kinh tế và các trục liên kết phát triển
Hình thành và phát triển 02 hành lang kinh tế theo trục Bắc - Nam và hướng Đông - Tây:
Hành lang kinh tế Bắc - Nam (thành phố Cà Mau - Cái Nước - Năm Căn - Đất Mũi): Là hành lang kinh tế động lực, quan trọng đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội; là cơ sở phát triển mạng lưới giao thông kết nối phát triển hệ thống đô thị và các khu chức năng chính; là trục phát triển theo tuyến cao tốc Cần Thơ - thành phố Cà Mau - Năm Căn - Đất Mũi.
Hành lang kinh tế Đông - Tây (Tân Thuận - Sông Đốc): Là hành lang kinh tế kết nối khu vực phía Đông và phía Tây của tỉnh thông qua tuyến đường trục Đông - Tây từ Tân Thuận kết nối với Sông Đốc, tạo động lực đầu tư kết cấu hạ tầng gắn kết thúc đẩy phát triển các khu, cụm công nghiệp, các trung tâm du lịch, dịch vụ logistics, nông nghiệp, công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo nhằm khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế từ biển; phát triển các khu đô thị, điểm dân cư ven biển, hình thành chuỗi đô thị ven biển.
Các trục liên kết phát triển, bao gồm: Trục quốc lộ 1, trục kinh tế - đô thị quốc lộ 63, trục kinh tế - đô thị biển, ven biển phía Nam kết nối thành phố Cà Mau với thành phố Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang) và các trục kinh tế biển, ven biển khác.
Về phương án phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật một số lĩnh vực
- Phương án phát triển mạng lưới giao thông:
Mạng lưới giao thông đường bộ: Định hướng đầu tư kéo dài tuyến cao tốc từ thành phố Cà Mau đến Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển) để hoàn chỉnh trục cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Hệ thống đường thủy: Quy hoạch các luồng tuyến nhánh, các tuyến này hình thành trên cơ sở các tuyến sông kênh Trung ương và các tuyến sông kênh do tỉnh quản lý.
Cảng hàng không: Nâng cấp cảng hàng không Cà Mau đạt cấp 4C tại vị trí hiện hữu.
Cảng biển: Phát triển cảng biển Cà Mau là cảng biển phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; trong đó ưu tiên thu hút đầu tư bến cảng Hòn Khoai.
- Phương án phát triển mạng lưới cấp điện:
Về nguồn điện: Ưu tiên phát triển hợp lý nguồn điện tại các vị trí có tiềm năng; thu hút đầu tư các dự án năng lượng tái tạo; khuyến khích phát triển hệ thống điện mặt trời với hình thức tự sản, tự tiêu.
Về đường dây và trạm biến áp: Xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp các trạm, tuyến đường dây, công trình điện lực 500kV, 220kV, 110kV đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục thực hiện Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo; cải tạo, nâng cấp lưới điện nông thôn.
Các dự án năng lượng: Đẩy mạnh mời gọi đầu tư các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch, tiến tới xuất khẩu điện sang các nước lân cận có nhu cầu nhập khẩu điện.
- Phương án phát triển mạng lưới thủy lợi:
Định hướng phân vùng sinh thái gồm 03 tiểu vùng: (i) Vùng sinh thái ngọt; (ii) Vùng sinh thái ngọt - lợ luân phiên; (iii) Vùng sinh thái mặn.
Phân vùng thủy lợi thành 03 vùng với 33 tiểu vùng, bao gồm: Vùng Bắc Cà Mau có 6 tiểu vùng; Vùng Nam Cà Mau có 17 tiểu vùng; Vùng Năm Căn - Ngọc Hiển chia thành 10 tiểu vùng.
Định hướng phát triển một số đô thị trọng tâm
Xây dựng thành phố Cà Mau trở thành trung tâm tổng hợp, chuyên ngành phát triển tương xứng với chức năng đô thị loại I trực thuộc tỉnh.
Thành lập thị xã Sông Đốc (đô thị loại III) là đô thị kinh tế biển và là đô thị động lực của tiểu vùng ven biển phía Tây, sinh thái và hiện đại, thích ứng với biển đổi khí hậu, phát triển cơ sở hạ tầng và dịch vụ kinh tế biển.
Thành lập thị xã Năm Căn (đô thị loại III) là đô thị động lực của tiểu vùng ven biển phía Đông, mang bản sắc đặc thù sông nước và hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu, gắn kết phát triển với Khu kinh tế Năm Căn và là điểm dừng chân của trục thành phố Cà Mau - Đất Mũi trong các hoạt động kinh tế và du lịch.
Thành lập thị trấn Tân Thuận (huyện Đầm Dơi) là đô thị loại IV, chuyên ngành về năng lượng, công nghiệp, thủy sản và logistics.
Phát triển thị trấn Rạch Gốc (huyện Ngọc Hiển) là đô thị loại IV, trung tâm hành chính, kinh tế của huyện Ngọc Hiển, phát triển thương mại dịch vụ, nuôi trồng và đánh bắt thủy sản.
Về phát triển các khu chức năng
Phương án phát triển khu kinh tế: Phát triển Khu kinh tế Năm Căn định hướng là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực; đầu mối giao thương hàng hải quốc tế của tỉnh và vùng đồng bằng sông Cửu Long và quốc tế; động lực phát triển kinh tế của tiểu vùng phía Nam; trung tâm dịch vụ du lịch sinh thái đặc trưng rừng ngập mặn; trung tâm công nghiệp, thương mại - dịch vụ và nuôi trồng, chế biến thủy sản của vùng, khu kinh tế ven biển, có vị trí chiến lược về quốc phòng - an ninh của vùng đồng bằng sông Cửu Long và quốc gia.
Phương án phát triển khu công nghiệp: Phát triển khu công nghiệp theo mô hình “khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ” gắn với phát triển đô thị, có kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại; phát triển, mở rộng các khu công nghiệp đã thành lập; thu hút đầu tư, xây dựng mới thêm một số khu công nghiệp khi tỉnh được bổ sung chỉ tiêu quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất. Đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội các khu công nghiệp bảo đảm đủ điều kiện, đạt tiêu chuẩn theo quy định, thu hút đầu tư, tăng tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp đã thành lập.
Phương án phát triển khu du lịch:
- Đầu tư xây dựng, phát triển Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau gắn với bảo tồn đa dạng sinh học Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
- Phát triển du lịch theo 03 không gian du lịch gồm: Không gian du lịch phía Bắc (gồm thành phố Cà Mau, huyện Thới Bình và huyện U Minh); không gian du lịch theo trục Đông - Tây (gồm huyện Trần Văn Thời, huyện Cái Nước và huyện Đầm Dơi); không gian du lịch phía Nam (gồm huyện Phú Tân, huyện Năm Căn và huyện Ngọc Hiển).
Ngoài ra, Quy hoạch tỉnh cũng định hướng phát triển kết cấu hạ tầng xã hội đồng bộ trên cơ sở bảo đảm nhu cầu phục vụ người dân. Đồng thời, Quy hoạch tỉnh đã đưa ra 06 nhóm giải pháp để triển khai thực hiện, cụ thể:
Hình. Một số giải pháp triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh
(Kèm theo Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 ngày 16/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ).