Hội nghị “Triển khai một số chính sách mới và xúc tiến liên kết hợp tác sản xuất phát triển kinh tế tập thể huyện Thới bình năm 2023”
Thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW (gọi tắt là Nghị quyết số 20-NQ/TW) ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (KTTT) trong giai đoạn mới, với các quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết số 20-NQ/TW, trong đó có Quan điểm được quan tâm chú trọng (Quan điểm xem KTTT là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân). Từ Quan điểm nêu trên, chiều ngày 17/11/2023, Ủy ban nhân dân huyện Thới Bình tổ chức Hội nghị triển khai một số chính sách mới và xúc tiến liên kết hợp tác sản xuất phát triển kinh tế tập thể huyện Thới Bình năm 2023. Dự và chủ trì cuộc họp có ông Huỳnh Quốc Hoàng (TUV) - Bí thư Huyện ủy; ông Lý Minh Vững (Phó Bí thư) - Chủ tịch UBND huyện; Thầy TS. Trần Minh Hải - Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và PTNT), cùng lãnh đạo các phòng, ban, ngành huyện, với các xã, thị trấn (qua kênh trực tuyến); về phía tỉnh có các sở, ngành như: Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị trực thuộc (Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật, Chi cục Phát triển nông thôn, Trung tâm khuyến công); Liên minh Hợp tác xã.
Ông Lý Minh Vững - Chủ tịch UBND huyện phát biểu chào mừng đại biểu và khai mạc Hội nghị
Theo góc nhìn của chuyên gia về chính sách công và phát triển nông thôn, TS. Trần Minh Hải chia sẻ về KTTT (địa phương cần quan tâm đến sự hình thành và phát triển HTX kiểu mới đối với lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn); đặc biệt, chú trọng đến Quyết định số 150/QĐ-TTg (gọi tắt là Quyết định số 150/QĐ-TTg) ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, để từ đó hoạch định những chính sách đột phá cho huyện Thới Bình nói riêng và cho tỉnh Cà Mau nói chung; trong đó, cấp ủy và chính quyền các cấp đặc biệt quan tâm đến những điểm mới, đột phá trong Chiến lược tại Quyết định số 150/QĐ-TTg, đó là: (1) Phải xem đây là Chiến lược chung của toàn xã hội, không riêng ngành nông nghiệp. Trong xây dựng Chiến lược có sự tham gia của nhiều thành phần: Bộ, ngành, địa phương, tổ chức quốc tế, chuyên gia trong nước, quốc tế, người sản xuất và kinh doanh; (2) Là Chiến lược ngành đầu tiên, toàn diện, có tính liên ngành, tập trung vào phát triển nông dân, nông thôn bên cạnh phát triển nông nghiệp; (3) Chiến lược có nhiều tư duy mới: Chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, tư duy tích hợp đa giá trị, tư duy liên ngành, tư duy phát triển bao trùm, tư duy nông nghiệp mới; (4) Phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, trách nhiệm: Nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp trách nhiệm, giảm phát thải và thích ứng với thích ứng biến đổi khí hậu; (5) Đổi mới trong tổ chức sản xuất: Lấy kinh tế hợp tác làm động lực để phát triển kinh tế hộ, liên kết doanh nghiệp, xây dựng Hội đồng ngành hàng. Phát triển vai trò của các hiệp hội, doanh nghiệp, các nhóm xã hội cùng kiến tạo không gian phát triển, tư vấn chính sách. Xây dựng vùng chuyên canh đầu tư đồng bộ; cụm công nghiệp và dịch vụ, trung tâm logistics phục vụ sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản; (6) Coi khoa học công nghệ, chuyển đổi số là yếu tố then chốt nâng cao hiệu quả, duy trì tăng trưởng, cạnh tranh của ngành; (7) Xác lập vai trò, vị trí chủ thể của dân cư nông thôn; trao quyền phân cấp, tạo điều kiện cơ hội phát triển; (8) Nông thôn mới đi vào chiều sâu thôn bản, phát triển sinh kế, chính thức hóa lao động; đổi mới tổ chức nông dân; phát triển công nghiệp và kinh tế phi nông nghiệp tại nông thôn; gắn phát triển nông thôn với phát triển đô thị, đa dạng hóa định hướng phát triển nông thôn mới; (9) Đổi mới chính sách: Đất (QSD đất như quyền tài sản, mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp, xây dựng ngân hàng đất), phát triển thị trường tài chính nông thôn, tăng đầu tư và đổi mới mạnh hoạt động khoa học công nghệ…
Thầy TS. Trần Minh Hải chia sẻ các chính sách tại Hội nghị
Toàn cảnh các đại biểu tham dự Hội nghị
Để tạo điều kiện thúc đẩy chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn trong thời gian tới của huyện Thới Bình nói riêng, tỉnh Cà Mau nói chung. Tại Hội nghị, Tiến sĩ Trần Minh Hải đã mời các tập đoàn và doanh nghiệp ngoài tỉnh đến tham dự, tìm hiểu, chia sẻ kinh nghiệm và thực hiện ký kết hợp tác liên kết chuỗi, cũng như cung ứng vật tư, thiết bị đầu vào và bao tiêu các mặt hàng, sản phẩm đầu ra tại địa phương (trong đó có sản phẩm Lúa - Tôm) của huyện Thới Bình. Tại Hội nghị, huyện đã ký ghi nhớ với các tập đoàn và doanh nghiệp nổi tiếng trong nước như: Tập đoàn Minh Phú, Tập đoàn Lộc Trời, Tập đoàn Bồ Đề, Doanh nghiệp (DN) Phân bón hữu cơ Con Voi Bình Dương, DN Tôm giống Dương Hùng, DN Trung An, DN Green Stars, DN Sinh học Châu Á, DN Chuỗi cung ứng quốc tế Trinh Nam, DN Chơn Chinh Tháp Mười.
Để tỏ lòng cảm ơn và tri ân Thầy TS. Trần Minh Hải - Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và PTNT) đã giúp cho huyện triển khai một số chính sách mới và xúc tiến liên kết hợp tác sản xuất phát triển kinh tế tập thể, Lãnh đạo huyện Thới Bình có lẵng hoa kính tặng Thầy nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/2023)./.
Ông Huỳnh Quốc Hoàng (TUV) - Bí thư Huyện ủy tặng hoa Thầy TS. Trần Minh Hải