Hội nghị Chuyên đề khởi nghiệp “Thách thức và cơ hội phát triển bền vững tỉnh Cà Mau trong tương lai”
Nhằm cung cấp thông tin về thực trạng biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, sạt lỡ đất, nước biển dâng,…tác động đến hoạt động sản xuất, kinh tế, xã hội của tỉnh Cà Mau; qua đó, gợi ý những phương thức sản xuất mới, mô hình kinh doanh, khởi nghiệp mới giúp cho cộng đồng doanh nghiệp, khởi nghiệp tỉnh Cà Mau có sự chuẩn bị và có chiến lược thích ứng trong tương lai. Sáng ngày 14/12/2023, Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Cà Mau (iPEC) phối hợp với các đơn vị, chuyên gia tổ chức Chuyên đề khởi nghiệp “Thách thức và cơ hội phát triển bền vững tỉnh Cà Mau trong tương lai”.
Đại biểu các sở, ban, ngành tỉnh; Phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện, TP Cà Mau
Theo TS. Nguyễn Hữu Thiện, Chuyên gia độc lập nghiên cứu về sinh thái Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), chia sẻ về chủ đề: “Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, những thách thức Cà Mau đã, đang và sẽ đối mặt”. Đây là bức tranh toàn cục về thực trạng, xu hướng ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (BĐKH) của ĐBSCL nói chung và Cà Mau nói riêng như: Nước biển dâng, xâm nhập mặn, sạt lở đất, hạn hán...; tác động của BĐKH đến hoạt động sản xuất, kinh tế, xã hội, môi trường của tỉnh trong tương lai. Tuy nhiên, theo nhận diện về BĐKH của Chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện cũng như đánh giá của các nhà khoa học trên thế giới, BĐKH có mấy yếu tố diễn ra của thiên nhiên mà chúng ta hết bình tĩnh để nhận diện và thích nghi như: “Nhiệt độ - Mưa trong mùa mưa - Mưa trong mùa khô - Gió bão - Các sự kiện cực đoan” tuy có nhiều thách thức, nhưng thuận lợi cũng không nhỏ, để từ đó có giải pháp ứng xử hài hòa cùng thuận thiên phát triển.
TS. Nguyễn Hữu Thiện, Chuyên gia độc lập nghiên cứu về sinh thái ĐBSCL,
chia sẻ về BĐKH những thách thức và cơ hội
Chuyên gia, TSKH. Nguyễn Thanh Mỹ, Người sáng lập và Giám đốc điều hành Rynan Tecnologies Việt Nam; Mỹ Lan Group là Nhà khoa học, Doanh nhân và Nhà từ thiện người Việt Nam - Canada, trình bày về chủ đề: “Cơ hội phát triển kinh tế, khởi nghiệp từ những thách thức của biến đổi khí hậu”. Theo ông, BĐKH ở Cà Mau tuy có thách thức, nhưng cũng là cơ hội, ngọt thì trồng cây ăn trái, trồng lúa năng suất chất lượng cao; lợ - mặn thì phát triển nuôi tôm, cua và thủy sản.
Ngoài ra, theo Chuyên gia Nguyễn Thanh Mỹ còn chia sẻ khởi nghiệp xanh cho Cà Mau, cơ hội để hình thành các mô hình, các công ty khởi nghiệp mới như: Xây dựng mô hình nhà ở mới, mô hình nuôi trồng thủy sản mới (nuôi lồng, hộp, bể,...), công nghệ giống mới (giống chịu mặn,...), công cụ, máy móc sản xuất mới (thiết bị phun thuốc trừ sâu không người lái, máy móc có kết nối thông minh,...), phương tiện sản xuất mới (xe chạy trên cạn lẫn dưới nước,…). Ứng dụng các công nghệ mới trong việc phát triển sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh BĐKH (AI, IoT, Big Data, Cloud,…). Đề xuất phương thức sản xuất, kinh doanh mới, chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh thích ứng với BĐKH và ông có lời khuyên cho các doanh nghiệp hiện tại, có giải pháp chuyển đổi để thích ứng trong tương lai. Bên cạnh đó, ông gửi lời nhắn nhủ đến các bạn trẻ Cà Mau phải có khát vọng sống, luôn tư duy, phải suy nghĩ khác hơn về sử dụng dược liệu để thay thế kháng sinh trong nuôi trồng thủy hải sản, phải dám nghĩ khác, phải làm khác.
TSKH. Nguyễn Thanh Mỹ, chia sẻ
“Cơ hội phát triển kinh tế, khởi nghiệp từ những thách thức của biến đổi khí hậu”
Tại Hội nghị, Ths. Tiêu Hoàng Pho, Chuyên viên Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ tỉnh Cà Mau, trình bày mô hình “ Ốc đảo ngọt trên đất mặn”. Đây là mô hình đa giá trị thích ứng với BĐKH trên vùng đất lợ, mặn tại Cà Mau: Nuôi heo thương phẩm kết hợp với cá rô phi và nuôi cua biển. Mô hình này xây dựng và sâu chuỗi các mối quan hệ có lợi, tối thiểu hóa nguyên liệu đầu vào gắn với các mắt xích trong chu trình sản xuất nông nghiệp thích ứng với tự nhiên nhằm phát triển kinh tế nông hộ gắn với bảo vệ môi trường, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và xây dựng nông thôn mới phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương./.
Ảnh. Lưu niệm bạn trẻ và sinh viên Cà Mau với các Diễn giả