Để kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, doanh nghiệp cần đáp ứng những điều kiện gì?
Theo quy định tại Điều 7 Luật Đầu tư 2020, ngành, nghề kinh doanh có điều kiện là ngành, nghề mà việc thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề đó phải đáp ứng điều kiện vì lý do an ninh quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.
Danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay chỉ bao gồm 227 ngành nghề (trước đây là 243 ngành nghề theo quy định của Luật Đầu tư 2014) được quy định tại Phụ lục IV của Luật Đầu tư năm 2020 có hiệu lực từ ngày 01/01/2021.
Ảnh minh họa
Điều kiện kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện
Doanh nghiệp muốn kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện phải đáp ứng các tiêu chí về giấy phép kinh doanh và điều kiện đầu tư kinh doanh.
1. Doanh nghiệp phải có giấy phép kinh doanh
Điều 27 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp như sau:
Doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Ngành, nghề đăng ký kinh doanh không bị cấm đầu tư kinh doanh;
- Tên của doanh nghiệp được đặt theo đúng quy định tại các điều 37, 38, 39 và 41 của Luật Doanh nghiệp 2020;
- Có hồ sơ đăng ký doanh nghiệp hợp lệ;
- Nộp đủ lệ phí đăng ký doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.
Trường hợp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp bị mất, bị hư hỏng hoặc bị hủy hoại dưới hình thức khác, doanh nghiệp được cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và phải nộp lệ phí theo quy định của pháp luật.
2. Doanh nghiệp phải đủ điều kiện đầu tư kinh doanh
Theo Khoản 9 Điều 2 Luật đầu tư 2020, điều kiện đầu tư kinh doanh là điều kiện cá nhân, tổ chức phải đáp ứng khi thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Tùy ngành, nghề mà điều kiện đầu tư kinh doanh là khác nhau. Tuy nhiên, điều kiện đầu tư kinh doanh phải đáp ứng các yêu cầu sau:
- Điều kiện đầu tư kinh doanh phải được quy định phù hợp với lý do quy định về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và phải bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan, tiết kiệm thời gian, chi phí tuân thủ của nhà đầu tư.
- Quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh phải có các nội dung sau đây:
+ Đối tượng và phạm vi áp dụng điều kiện đầu tư kinh doanh;
+ Hình thức áp dụng điều kiện đầu tư kinh doanh;
+ Nội dung điều kiện đầu tư kinh doanh;
+ Hồ sơ, trình tự, thủ tục hành chính để tuân thủ điều kiện đầu tư kinh doanh (nếu có);
+ Cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan có thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính đối với điều kiện đầu tư kinh doanh;
+ Thời hạn có hiệu lực của giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ hoặc văn bản xác nhận, chấp thuận khác (nếu có).
- Điều kiện đầu tư kinh doanh được áp dụng theo các hình thức sau đây:
+ Giấy phép;
+ Giấy chứng nhận;
+ Chứng chỉ;
+ Văn bản xác nhận, chấp thuận;
+ Các yêu cầu khác mà cá nhân, tổ chức kinh tế phải đáp ứng để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh mà không cần phải có xác nhận bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền.
Hiện nay, cá nhân, tổ chức có quyền tự do kinh doanh trong tất cả các ngành, nghề và lĩnh vực mà pháp luật không cấm. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng phải bảo đảm việc “đáp ứng” đủ các điều kiện kinh doanh đối với những ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư và bảo đảm duy trì đủ điều kiện đầu tư kinh doanh đó trong suốt quá trình hoạt động./.