Chuyển đổi số mang lại những chuyển biến tích cực cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Cà Mau
Thời gian qua, bắt nhịp với xu thế chung của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4, Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau đã ban hành Đề án chuyển đổi số tỉnh Cà Mau đến năm 2025, định hướng năm 2030 và Kế hoạch thực hiện chuyển đổi số năm 2023. Trong đó, đề ra 23 mục tiêu thực hiện thuộc các nhóm chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Đến nay, đã thực hiện hoàn thành 17/23 mục tiêu. Để chuyển đổi số thành công, hệ thống chính trị phải tiên phong thực hiện. Các sở, ban, ngành các cấp đã đồng loạt triển khai nhiều giải pháp chuyển đổi số trong ngành, lĩnh vực, cơ quan, đơn vị mình phụ trách. Qua đó, nhận thức và kỹ năng về chuyển đổi số của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh từng bước thay đổi. Đây là đội ngũ quan trọng trong thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.
Ảnh. Công chức Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Trung tâm GQTTHC tỉnh Cà Mau.
Công chức Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả Sở Kế hoạch và Đầu tư nhận thấy “Hiện nay, gần như mọi công việc của cơ quan được xử lý thông qua các ứng dụng công nghệ thông tin. Đòi hỏi cán bộ, công chức phải thường xuyên nghiên cứu, cập nhật kỹ năng, kiến thức mới có thể đảm bảo hoàn thành công việc được giao. Ngoài ra, việc tiếp nhận, xử lý và trả kết quả cho người dân đến liên hệ cũng đang được thực hiện trên môi trường mạng. Thời gian đầu cũng còn nhiều khó khăn, nhưng khi đã quen thì cả người dân và cán bộ, công chức đều nhận thấy những tiện ích mà chuyển đổi số mang lại”.
Xác định mục tiêu chuyển đổi số lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, những kết quả chuyển đổi số mang lại phục vụ lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp. Các sở, ban, ngành, các cấp đã tổ chức triển khai nhiều hoạt động hưởng ứng ngày chuyển đổi số quốc gia bằng nhiều hình thức trực quan. Chuyển đổi số bắt đầu từ người dân, làm cho người dân thấy được việc áp dụng công nghệ số là dễ dàng, thiết thực, hữu ích trong đời sống xã hội. Có thể thấy, thời gian qua lợi ích mà chuyển đổi số mang lại đang lan tỏa đến các mặt của đời sống, sản xuất, kinh doanh, người dân bắt đầu hình thành thói quen về những kỹ năng số.
Nếu chuyển đổi số là các vấn đề mà doanh nghiệp cung ứng các dịch vụ công nghệ cần phải thực hiện, cơ quan Nhà nước quản lý, định hướng thì người dân là đối tượng được thụ hưởng. Từ các tính năng, tiện ích của sàn thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, thời gian qua, nhiều cá nhân, hộ kinh doanh đã nắm bắt được thời cơ, phát triển lên thị trường số, mang lại nhiều kết quả khả quan. “Trên các nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử việc kinh doanh trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn so với các hình thức truyền thống. Với sản phẩm từ nấm của gia đình, nếu bán theo hình thức truyền thống thì đơn hàng chỉ tương đối. Ngày nay, với sự phát triển của sàn thương mại điện tử như: Lazada, Shopee,…các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook, Tiktok,… thị trường nấm được nhiều khách hàng tiềm năng tiếp cận. Qua đó, đơn hàng bán ra ngày càng nhiều, là động lực để tôi tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất”.
Đây chỉ là những chuyển biến bước đầu, để chuyển đổi số thành công cần thời gian và sự nỗ lực từ nhiều phía. Tin rằng với sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp, công cuộc chuyển đổi số của tỉnh Cà Mau sẽ sớm đạt được những thành quả cao hơn./.