Cà Mau triển khai hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh năm 2024
Ngày 19/01/2024, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 13/KH-UBND triển khai hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh năm 2024. Kế hoạch xác định những nội dung trọng tâm cần thực hiện như sau:
Triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả, thiết thực Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ngày 12/6/2017, Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về mặc pháp lý, góp phần hạn chế rủi ro, nhằm đảm bảo cho doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động sản xuất kinh doanh theo quy định pháp luật.
Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận hệ thống văn bản pháp luật; đóng góp ý kiến, tham gia xây dựng pháp luật; giúp doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả tăng cường năng lực cạnh tranh lành mạnh theo quy định pháp luật. Triển khai thực hiện, nhân rộng mô hình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp hiệu quả, thiết thực.
1. Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Cà Mau giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh Cà Mau năm 2024
a) Rà soát, cập nhật văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương; văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp (trừ các văn bản thuộc danh mục bí mật Nhà nước theo quy định) trên Cổng thông tin điện tử tỉnh, Trang thông tin Phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh và Trang thông tin điện tử các các Sở, ban, ngành tỉnh; UBND các huyện, thành phố Cà Mau.
Giới thiệu, phổ biến các văn bản pháp luật do Trung ương ban hành và các văn bản quy phạm pháp luật do tỉnh ban hành có nội dung liên quan đến các lĩnh vực đầu tư, thương mại, đất đai, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.…
b) Cập nhật dữ liệu về các bản án, quyết định của tòa án; phán quyết của trọng tài thương mại; quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh; quyết định xử lý vi phạm hành chính liên quan đến doanh nghiệp; hoặc kết nối trên Trang thông tin Phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh các bản án, quyết định của tòa án; phán quyết của trọng tài thương mại; quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh; quyết định xử lý vi phạm hành chính liên quan đến doanh nghiệp có hiệu lực thi hành và được phép công khai.
c) Các sở ban ngành tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện thành phố Cà Mau theo chức năng, nhiệm vụ tổ chức tập huấn pháp luật, giới thiệu pháp luật về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa nội dung về hoạt động doanh nghiệp, thương mại; đưa ra các giải pháp hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, Hợp tác xã, Tổ hợp tác, hộ kinh doanh…. tuyên truyền các chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh đối với sự phát triển của kinh tế, xã hội.
- Tổ chức bồi dường kiến thức pháp luật, thực hiện hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được chuyển đổi từ hộ kinh doanh, Hợp tác xã, Tổ hợp tác…
- Trao đổi về những khó khăn, vướng mắc và đưa ra giải pháp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong quá trình sản xuất, kinh doanh, chấp hành pháp luật của doanh nghiệp nhỏ và vừa.
- Giới thiệu cho doanh nghiệp nhỏ và vừa nội dung các văn bản quy phạm pháp luật mới, các chuyên đề pháp luật trong phạm vi, lĩnh vực quản lý của Ủy ban nhân dân tỉnh có liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh cho đối tượng là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, Hợp tác xã, Tổ hợp tác…
- Bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ tư vấn viên pháp luật, người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
d) Hoạt động tư vấn pháp luật, giải quyết các vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa:
- Tổ chức các hội nghị đối thoại về các chuyên đề pháp lý chuyên sâu giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền với hiệp hội doanh nghiệp, chuyên gia, người quản lý, điều hành, người phụ trách công tác pháp chế của doanh nghiệp nhỏ và vừa.
- Xây dựng chuyên mục hỏi đáp pháp luật về đầu tư, kinh doanh trên Trang thông tin điện tử hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của cơ quan, đơn vị.
- Tư vấn qua thư điện tử, mạng xã hội và ứng dụng thành tựu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư:
+ Tổ chức hoạt động tư vấn qua hệ thống thư điện tử, mạng xã hội trên cơ sở đề nghị của doanh nghiệp nhỏ và vừa.
+ Ứng dụng công nghệ thông tin và thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để thực hiện tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
- Tăng cường thông tin, tuyên truyền các nội dung liên quan đến hỗ trợ pháp lý và các hoạt động của doanh nghiệp nhỏ và vừa trên Báo, Đài Phát thanh – Truyền hình, Trang thông tin phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh và Trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị.
- Tư vấn thông qua mạng lưới tư vấn viên pháp luật:
+ Cập nhật, công khai danh sách tư vấn viên pháp luật theo quy định (theo danh sách Bộ Tư pháp công bố) và cung cấp danh sách cán bộ làm đầu mối hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
+ Tiếp nhận yêu cầu về giải đáp pháp luật của các doanh nghiệp nhỏ và vừa được gửi đến thuộc phạm vi quản lý ngành, lĩnh vực của từng Sở, ngành, đơn vị và trả lời yêu cầu, giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Việc giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được thực hiện bằng các hình thức như: Giải đáp bằng văn bản, giải đáp thông qua thư điện tử, các bản tin thuộc các lĩnh vực chuyên ngành, giải đáp trực tiếp hoặc thông qua điện thoại, các hình thức khác...
+ Hệ thống hóa, cập nhật dữ liệu về văn bản trả lời của cơ quan nhà nước đối với những vướng mắc pháp lý của doanh nghiệp nhỏ và vừa trên Trang thông tin phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh.
2. Thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021 - 2030” trên địa bàn tỉnh Cà Mau năm 2024
a) Hoàn thiện chính sách, pháp luật về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp
- Nghiên cứu, đóng góp ý kiến dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế (Nghị định số 55/2011/NĐ-CP) và Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (Nghị định số 55/2019/NĐ-CP)
- Tổ chức học tập, trao đổi kinh nghiệm ngoài tỉnh về xây dựng mô hình hiệu quả hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
b) Nâng cao nhận thức, năng lực và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, người làm công tác pháp chế, người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và đội ngũ tư vấn viên, tuyên truyền viên pháp luật.
- Tăng cường tuyên truyền, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ để nâng cao năng lực, nhận thức và trách nhiệm trong triển khai công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp
- Tăng cường trao đổi thông tin, xây dựng cơ chế phối hợp trong triển khai thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giữa cơ quan nhà nước, tổ chức đại diện cho doanh nghiệp, tổ chức hành nghề luật sư và doanh nghiệp
- Tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn người làm công tác hỗ trợ pháp lý về đổi mới cách thức tiếp cận doanh nghiệp, đổi mới cách thức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp
- Thường xuyên cập nhật, đăng tải thông tin trên trang thông tin điện tử của các sở, ngành, đơn vị, địa phương các quy định về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp
- Triển khai các hoạt động truyền thông phục vụ công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp bằng hình thức phù hợp (mở chuyên mục trên Báo Cà Mau, Đài Phát thanh – Truyền hình, Trang thông tin phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh, Trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị..).
- Lồng ghép hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp với thúc đẩy doanh nghiệp thực hành kinh doanh có trách nhiệm và tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân
c) Triển khai hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp
- Đẩy mạnh tư vấn pháp lý cho doanh nghiệp thông qua các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp
- Tổ chức đối thoại giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền với doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình áp dụng pháp luật liên quan đến doanh nghiệp
- Triển khai, nhân rộng một số mô hình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp hiệu quả, thiết thực
- Tăng cường xã hội hóa hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; khuyến khích các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp, các cá nhân tham gia hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
- Đánh giá, kiểm tra, khen thưởng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp./.