BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ HỘI THẢO TRỰC TUYẾN “Rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn”
Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao về xây dựng Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ (gọi tắt là Nghị định số 57/2018/NĐ-CP); sáng ngày 27/3/2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức Hội thảo trực tuyến toàn quốc “Rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn ”. Ông Trần Duy Đông - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) chủ trì Hội thảo, cùng tham dự có đại diện các đơn vị thuộc Bộ KH&ĐT. Dự Hội nghị tại điểm cầu Trung ương có Lãnh đạo các Bộ, ngành gồm: Đại diện Văn phòng Chính phủ; Bộ Tài chính; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các Hiệp hội Việt Nam.
Tại điểm cầu tỉnh Cà Mau, dự và chủ trì có ông Nguyễn Minh Ái - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cùng Lãnh đạo các sở, ngành: Sở Tài chính; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Cà Mau; Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh (CMBA); Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp (iPEC) cùng các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn.
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu tỉnh Cà Mau
Thứ trưởng Trần Duy Đông phát biểu khai mạc Hội thảo và chia sẻ, từ khi Nghị định số 57/2018/NĐ-CP được ban hành đến nay, có nhiều bất cập, chồng chéo so với các Luật có liên quan đã được thay thế và sửa đổi; do đó, các địa phương gặp nhiều lúng túng trong triển khai thực hiện. Được sự chủ trương của Chính phủ, Các Bộ (Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tài nguyên và Môi trường và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) đã phối hợp cùng nhau, thống nhất xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 57/2018/NĐ-CP.
Tài liệu tại buổi Hội thảo
Tại buổi Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông phân công Lãnh đạo Vụ Kinh tế nông nghiệp (Bộ KH&ĐT) trình bày Dự thảo Nghị định về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn.
Ông Trần Duy Đông - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư điều hành thảo luận
Trên cơ sở trình bày Dự thảo Nghị định của Lãnh đạo Vụ Kinh tế nông nghiệp, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT ông Trần Duy Đông gợi ý thảo luận, đã có 14 ý kiến tham gia đóng góp từ các Bộ, ngành Trung ương (đại diện Văn phòng Chính phủ; Bộ Tài chính; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam); Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh (Nghệ An; Đồng Tháp; Lào Cai; Vĩnh Phúc), cùng các Hiệp hội Việt Nam và các doanh nghiệp tại các địa phương.
Nhìn chung, các ý kiến đóng góp tại buổi Hội thảo đề nghị Ban soạn thảo cần xem xét, nghiên cứu bổ sung thêm vào dự thảo Nghị định danh mục ngành nghề cần hỗ trợ (công nghệ sinh học, lĩnh vực chế biến phụ phẩm, phế phẩm trong ngành thủy sản; tích tụ ruộng đất cho các doanh nghiệp lớn); cần quy định rõ hơn về chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp chế biến hữu cơ. Ưu tiên hỗ trợ cho các dự án (ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp xanh thân thiện môi trường, nông nghiệp có năng suất và hiệu quả cao, cần quan tâm đến liên kết vùng và gắn với chuỗi giá trị) và nên có định lượng cụ thể.
Về chính sách hỗ trợ cho lĩnh vực chăn nuôi gia súc, gia cầm, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc không nên đưa danh mục hỗ trợ chăn nuôi lợn, vì hiện nay chăn nuôi lợn chất lượng đã được phủ khắp trên cả nước; xem xét nên dành nguồn lực để hỗ trợ cho chăn nuôi gia súc, gia cầm có sản lượng cao.
Tại Hội thảo, việc thành lập Hội đồng thẩm định, đa số ý kiến thống nhất giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Sở chuyên ngành) chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan. Việc thanh quyết toán dự án, thống nhất giao cho Kho bạc và Sở Tài chính phối hợp thực hiện. Theo ý kiến của Bộ Tài chính về lĩnh vực đất đai, Ban soạn thảo cần xin ý kiến Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp để tránh sự chồng chéo nếu Luật Đất đai có hướng sửa đổi.
Thay mặt Bộ Kế hoạch và Đầu tư (chủ trì Hội thảo), Thứ trưởng Trần Duy Đông giao cho Vụ Kinh tế nông nghiệp (Bộ KH&ĐT) tiếp thu các ý kiến đóng góp và tổng hợp trình Ban soạn thảo xem xét chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện để trình Chính phủ phê duyệt./.