Tình hình hoạt động đối ngoại tại Cà Mau 6 tháng đầu năm 2021
Trong 6 tháng đầu năm 2021, tình hình kinh tế trong nước và thế giới trong bối cảnh đầu tư toàn cầu và cả nước suy giảm mạnh do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tuy có những dấu hiệu khởi sắc nhờ triển vọng phục hồi từ các nền kinh tế lớn nhưng tốc độ còn chậm và nhiều rủi ro. Hoạt động thương mại và đầu tư trong nước và thế giới tăng trưởng chậm, thị trường tài chính diễn biến phức tạp, những thay đổi về chính sách quốc tế của một số nước lớn là những yếu tố tác động đến công tác đối ngoại của tỉnh Cà Mau.
- Về công tác ngoại giao kinh tế
Với định hướng nhằm tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về thu hút đầu tư nước ngoài theo hướng chọn lọc các dự án có chất lượng tại Cà Mau về kết quả thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ngoài Khu công nghiệp từ đầu năm 2021 đến nay, không có dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; so với cùng kỳ năm 2020 không thay đổi. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 07 dự án FDI ngoài Khu công nghiệp với tổng số vốn đăng ký đầu tư 70.549.767 USD.
- Về công tác vận động và quản lý viện trợ không hoàn lại của tổ chức, cá nhân nước ngoài
Công tác vận động và quản lý viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài Ủy ban nhân dân tỉnh đã quyết định phê duyệt tiếp nhận 02 khoản viện trợ, với tổng vốn viện trợ khoảng 81.000 USD, giảm 03 khoản viện trợ/ giảm khoảng 153.000 USD so với cùng kỳ năm 2020.
Các dự án có yếu tố nước ngoài được triển khai trên địa bàn tỉnh Cà Mau không có trường hợp nào vi phạm, công tác tổ chức phi chính phủ nước ngoài thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.
Để đạt được những mục tiêu trên, Cà Mau đang có rất nhiều nhiệm vụ phải giải quyết. Ngoài việc cải thiện chất lượng thu hút đầu tư FDI, tỉnh cũng đang nỗ lực hơn nữa trong cải cách thủ tục hành chính, tạo thông thoáng, thuận lợi cho môi trường đầu tư.
Việc áp dụng quy định về quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại theo Nghị định số 80/2020/NĐ-CP ngày 08/7/2020 của Chính phủ ở địa phương còn lúng túng, các văn bản hướng dẫn mẫu biểu báo cáo về quản lý tài chính đã hết hiệu lực và chưa được ban hành văn bản quy phạm pháp luật mới hướng dẫn cụ thể về quản lý tài chính đối với các dự án viện trợ không hoàn lại. Bên cạnh đó, dịch Covid-19 bùng phát trở lại ở nhiều quốc gia và tại Việt Nam cũng làm ảnh hưởng tới việc đi lại cũng như các quyết định đầu tư mới và mở rộng dự án của các nhà đầu tư. Vì vậy, số dự án cấp mới, điều chỉnh vốn cũng như nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục giảm so với cùng kỳ, song mức độ giảm đã được cải thiện./.