Luật Thanh tra số 11/2022/QH15 được Quốc hội thông qua ngày 14/11/2022, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2023 (sau đây gọi tắt là Luật Thanh tra 2022) với nhiều điểm mới sẽ tạo hành lang pháp lý để hoạt động thanh tra minh bạch từng bước chuyên nghiệp. Luật Thanh tra 2022 được xây dựng trên cơ sở tổng kết hơn 10 năm thực hiện Luật Thanh tra năm 2010, thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng về công tác thanh tra để phục vụ nhiệm vụ phát triển đất nước thời kỳ mới. Sau đây, xin giới thiệu một số điểm mới chủ yếu của Luật này.
Ảnh. Hội nghị trực tuyến tuyên truyền, phổ biến Luật Thanh tra 2022 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
1. Về xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra
Chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra và giữa hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm toán nhà nước là một trong những vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của người dân và các doanh nghiệp. Xử lý chồng chéo trùng lặp cũng là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm và yêu cầu cần có giải pháp để hạn chế tối đa tình trạng này. Luật đã có những quy định để xử lý vấn đề này như sau:
Thứ nhất, xử lý chồng chéo từ khâu xây dựng kế hoạch thanh tra: nếu như trước kia việc xây dựng kế hoạch thanh tra còn mang tính riêng rẽ, độc lập thì nay kế hoạch thanh tra được tập trung về các đầu mối theo hướng mỗi Bộ có một kế hoạch thanh tra chung của Bộ trong đó tích hợp kế hoạch thanh tra của Thanh tra Bộ và kế hoạch thanh tra của Tổng cục, Cục thuộc Bộ (nếu có). Mỗi tỉnh chỉ có một kế hoạch thanh tra chung của tỉnh trong đó bao gồm kế hoạch thanh tra của Thanh tra tỉnh, kế hoạch thanh tra của các sở, thanh tra của các huyện. Quá trình xây dựng kế hoạch chính là quá trình “khử” sự trùng lặp trong hoạt động thanh tra.
Thứ hai, xử lý chồng chéo trong quá trình tiến hành hoạt động thanh tra: Luật đã quy định một điều trong đó quy định nguyên tắc xử lý chồng chéo trong nhiều trường hợp cụ thể giữa các cơ quan thanh tra theo hướng khi xảy ra chồng chéo thì có sự bàn bạc, trao đổi, nếu không thống nhất được thì cơ quan thanh tra cấp trên sẽ tiến hành thanh tra.
Thứ ba, xử lý chồng chéo giữa hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm toán nhà nước thông qua việc tăng cường phối hợp hoạt động, trao đổi thông tin từ khâu xây dựng kế hoạch thanh tra, kế hoạch kiểm toán đến quá trình tiến hành hoạt động thanh tra, kiểm toán, việc tham khảo, sử dụng kết quả thanh tra, kiểm toán... Luật nhấn mạnh vai trò và trách nhiệm của Tổng Thanh tra Chính phủ và Tổng Kiểm toán Nhà nước trong việc lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác phối hợp bảo đảm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động thanh tra, hoạt động kiểm toán nhà nước, hạn chế tối đa sự chồng chéo, trùng lặp, gây ảnh hưởng cho hoạt động bình thường của đối tượng thanh tra, kiểm toán.
2. Về thẩm quyền ban hành quyết định thanh tra
Thẩm quyền ban hành quyết định thanh tra là một trong những nội dung mới của Luật Thanh tra 2022. Trước đây, theo quy định của Luật Thanh tra 2010, thẩm quyền ban hành quyết định thanh tra gồm có thủ trưởng cơ quan thanh tra và thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước (Điều 43 và Điều 51 Luật Thanh tra 2010). Nhằm đề cao vai trò của các cơ quan thanh tra, tăng cường tính chuyên nghiệp, tính tự chịu trách nhiệm trong hoạt động thanh tra, phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn giữa Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước và Thủ trưởng cơ quan thanh tra, Luật Thanh tra 2022 quy định chỉ có Thủ trưởng cơ quan thanh tra được ban hành quyết định thanh tra. Cụ thể, khoản 1 Điều 59 Luật Thanh tra 2022 quy định: Thủ trưởng cơ quan thanh tra căn cứ quy định tại Điều 51 của Luật này ban hành quyết định thanh tra.
Đối với các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thì thẩm quyền ban hành quyết định thanh tra thuộc về Thủ trưởng cơ quan được giao chức năng thanh tra chuyên ngành. Cụ thể, khoản 2 Điều 37 Luật Thanh tra 2022 quy định: Trong hoạt động thanh tra, Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ trưởng cơ quan thanh tra (trong đó có thẩm quyền ban hành quyết định thanh tra). Do vậy, Thủ trưởng cơ quan được giao chức năng thanh tra chuyên ngành có thẩm quyền ban hành quyết định thanh tra.
3. Về hoạt động thanh tra
Theo quy định của Luật Thanh tra 2022, trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra bao gồm các bước: chuẩn bị thanh tra; tiến hành thanh tra trực tiếp; kết thúc cuộc thanh tra.
Như vậy, khác với Luật Thanh tra 2010, các quy định về trình tự, thủ tục tiến hành thanh tra được quy định ngay trong Luật Thanh tra năm 2022 để bảo đảm việc tiến hành thanh tra tuân thủ đúng quy định, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của đối tượng thanh tra.
Ở mỗi bước, Luật quy định trình tự, thủ tục rất chặt chẽ để tiến hành một cuộc thanh tra từ thành lập đoàn thanh tra, thu thập thông tin, chuẩn bị thanh tra, tiến hành thanh tra trực tiếp, ra kết luận thanh tra. Đây chính là điểm quan trọng để phân biệt hoạt động thanh tra, dù là thanh tra hành chính hay chuyên ngành cũng phải được tiến hành bài bản chuyên nghiệp, khác với hoạt động kiểm tra thường xuyên được thực hiện linh hoạt, đáp ứng yêu cầu nhanh gọn, bảo đảm trật tự, kỷ cương trong các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Luật Thanh tra 2022 quy định riêng về trình tự, thủ tục thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành. Tuy nhiên, để đảm bảo phù hợp với đặc thù trong hoạt động thanh tra của một số ngành, lĩnh vực, Điều 50 Luật Thanh tra quy định:
- Trường hợp luật khác có quy định về trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra chuyên ngành khác với quy định tại Luật này thì thực hiện theo quy định của luật đó.
- Trường hợp để đáp ứng yêu cầu quản lý đặc thù của ngành, lĩnh vực, theo đề nghị của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chính phủ quy định trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra chuyên ngành khác với quy định tại Luật này nhưng phải bảo đảm có tối thiểu các thủ tục về ban hành quyết định thanh tra, công bố quyết định thanh tra, tiến hành kiểm tra, xác minh thông tin, tài liệu, ban hành kết luận thanh tra, công khai kết luận thanh tra.
4. Phân định hoạt động thanh tra với hoạt động kiểm tra theo hướng: kiểm tra là thường xuyên, thanh tra có trọng tâm, trọng điểm
Luật đã bỏ hình thức thanh tra thường xuyên, vì thực chất đây là hoạt động kiểm tra của bất kỳ cơ quan quản lý nào. Luật cũng nhấn mạnh trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong tổ chức hoạt động kiểm tra thường xuyên để kịp thời phát hiện sơ hở, yếu kém trong quản lý, làm tốt biện pháp ngăn ngừa, cũng như thúc đẩy việc thực thi nhiệm vụ công vụ cũng như nâng cao tính liêm chính của đội ngũ công chức, viên chức. Qua hoạt động kiểm tra, nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm và thấy cần thiết thì sẽ tiến hành thanh tra một cách toàn diện để xử lý có hiệu quả hành vi vi phạm. Điều 6 của Luật quy định:
“1. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo hoạt động thanh tra, kiểm tra để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước.
2. Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước phải thường xuyên tổ chức kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý; việc chấp hành chính sách, pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc ngành, lĩnh vực do mình phụ trách để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước.
Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm thì áp dụng hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng biện pháp theo quy định của pháp luật để xử lý kịp thời hành vi vi phạm; trường hợp cần thiết thì yêu cầu hoặc để nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành thanh tra; nếu có dấu hiệu tội phạm thì kiến nghị khởi tố và chuyển hồ sơ vụ việc, tài liệu có liên quan đến cơ quan điều tra để xem xét, quyết định việc khởi tố vụ án hình sự theo quy định của pháp luật”.
Ngay kế hoạch thanh tra cũng được xây dựng trên cơ sở đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, các nguy cơ sai phạm trong ngành, lĩnh vực chứ không phải làm “lần lượt”. Có nghĩa, kế hoạch thanh tra được xây dựng bài bản, có trọng tâm, trọng điểm để hoạt động thanh tra chuyên nghiệp, hiệu quả, phục vụ đắc lực cho công tác quản lý nhà nước trong mỗi thời kỳ, ở mỗi ngành, lĩnh vực và địa phương khác nhau.
5. Về Thanh tra sở
Luật Thanh tra 2022 quy định theo hướng không phải tất cả các sở đều thành lập cơ quan thanh tra để tránh dàn trải. Việc tổng kết thi hành Luật Thanh tra năm 2010 cho thấy, ở mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hiện có từ 15 đến 19 tổ chức Thanh tra sở nhưng biên chế rất ít, nhiều tỉnh chỉ có khoảng trên dưới 50 người, cá biệt có tỉnh chỉ có 25 biên chế. Do biên chế mỏng, cơ quan thanh tra được thành lập dàn trải ở nhiều sở nên một số Thanh tra sở chỉ được bố trí được từ 01 đến 02 biên chế, dẫn đến hoạt động nặng về hình thức, không hiệu quả.
Để đổi mới tổ chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Thanh tra sở, khắc phục bất cập, hạn chế nêu trên, khoản 2 Điều 26 của Luật Thanh tra 2022 quy định theo hướng không phải tất cả các sở đều thành lập tổ chức thanh tra, cụ thể:
“...2. Thanh tra sở được thành lập trong các trường hợp sau đây:
a) Theo quy định của luật;
b) Tại sở có phạm vi quản lý rộng và yêu cầu quản lý chuyên ngành phức tạp theo quy định của Chính phủ;
c) Tại sở do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định căn cứ vào yêu cầu quản lý nhà nước tại địa phương và biên chế được giao”
Quy định này nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn, phù hợp với đặc điểm và yêu cầu quản lý của từng địa phương. Theo đó, ngoài những trường hợp Thanh tra sở được thành lập theo quy định của Luật và quy định của Chính phủ, Luật Thanh tra 2022 giao quyền chủ động cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập Thanh tra sở căn cứ vào yêu cầu quản lý nhà nước ở địa phương và biên chế được giao. Quy định như vậy bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương trong thực hiện quản lý nhà nước trên địa bàn.
Tại những sở không thành lập cơ quan thanh tra, Giám đốc sở giao đơn vị thuộc sở thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời, hoạt động thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành trong những lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của sở không thành lập cơ quan thanh tra sẽ do Thanh tra tỉnh thực hiện. Việc giao Thanh tra tỉnh thực hiện nhiệm vụ thanh tra đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của các sở không thành lập cơ quan thanh tra do nhu cầu tiến hành thanh tra trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của các sở này không lớn, Thanh tra tỉnh sẽ được bổ sung biên chế, tăng cường năng lực hoạt động do không còn phải bố trí biên chế thanh tra dàn đều ở các sở như hiện nay. Do đó, có đủ điều kiện để thực hiện nhiệm vụ thanh tra đối với các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của các sở không thành lập cơ quan thanh tra.
Những sở còn lại, UBND tỉnh được giao quyết định có thành lập cơ quan thanh tra hay không trên cơ sở tính toán nhu cầu quản lý, biên chế. Quy định như vậy phù hợp với chủ trương của Đảng về tinh gọn đầu mối; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của chính quyền địa phương trong thực hiện quản lý nhà nước trên địa bàn.